Khí canh là phương pháp trồng rau sạch theo công nghệ hiện đại, có ưu điểm là không chiếm nhiều diện tích và dễ chăm sóc; đây là xu hướng của nền nông nghiệp xanh trong lòng thành phố.
Khác với phương pháp canh tác thổ canh hay thủy canh, trồng rau sạch bằng phương pháp khí canh không sử dụng đất và nước trồng trọt. Cây sẽ được trồng trong môi trường không khí, được cung cấp đầy đủ nước và các chất dinh dưỡng. Biện pháp phun sương giúp cây phát triển khỏe mạnh và cho sản phẩm theo ý muốn.
- Các thành phần cơ bản của hệ thống khí canh
Giá đỡ được khoan lỗ trên bề mặt để giữ cố định rễ ở phía dưới
Hệ thống cung cấp dinh dưỡng: bồn chứa dinh dưỡng, máy bơm, ống dẫn và đầu phun sương
Hệ thống chiếu sáng
Hệ thống cảm biến: đo nhiệt độ, độ ẩm, pH, ánh sáng
Hệ thống theo dõi mực nước
- Cơ chế hoạt động
Do được cố định trong không gian nên rễ cây có điều kiện hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng. Cùng với việc phun sương bộ rễ cây luôn mát, trao đổi chất và sinh trưởng tốt hơn.
Dung dịch dinh dưỡng trong không khí và nước sẽ được phun liên tục vào rễ cây với các mức độ khác nhau. Liều lượng phụ thuộc vào các thông số nhiệt độ, độ ẩm trên bộ cảm biến và nhu cầu của cây. Nước và các chất dinh dưỡng thừa sẽ được lọc lại; sẽ tiết kiệm được một lượng nước và dinh dưỡng đáng kể.
Hệ thống chiếu sáng có chức năng điều chỉnh độ sáng thích hợp dựa trên các thông số của bộ cảm biến.
Hệ thống theo dõi mực nước bồn chứa sẽ thông báo cho người trồng biết tình trạng mực nước trong bồn.
- Quy trình thực hiện
– Hệ thống ống khí canh:Ống trụ gồm nhiều hốc lỗ, mỗi lỗ sẽ được gắn một rọ và một miếng mút 40x40x50mm để giữ ẩm và cố định cây. Mút là mút xốp PE màu trắng, được rạch dọc 50% khối (hoặc đục lỗ 0,5cm). Cây sẽ được đặt vào rãnh (hoặc gieo trực tiếp vào lỗ).
Toàn bộ dung dịch sau khi đi qua các rọ sẽ được thu lại vào đường ống thu và chảy về bể chứa ban đầu. Sau đó dung dịch sẽ được tiếp tục bơm lên để cung cấp lại cho hệ thống. Thời gian bơm và giãn cách mỗi lần bơm sẽ tùy vào độ bốc thoát hơi trên mút.
– Ươm hạt giống: Hạt giống được gieo bên trong mút, số lượng hạt tùy theo giống cây (xà lách: 2-3 hạt, cải các loại: 2-3 hạt, rau muống: 5-6 hạt,…). Tưới phun sương mỗi ngày hai lần sáng và chiều cho đến khi hạt nảy mầm.
– Chăm sóc cây con: Sau 2 – 3 ngày gieo (đối với các giống cải, xà lách, rau muống,…) thì hạt nảy mầm, vẫn phun sương ngày hai lần sáng và chiều. Trong khay ươm tiến hành cho dung dịch thủy canh cao khoảng 1/3 chiều cao mút, với nồng độ 750-1.000 ppm để cây phát triển và thích ứng.
Quan sát theo dõi thường xuyên để thêm nước khi nước bị bốc thoát hơi dần; trời nắng nóng, độ bốc thoát hơi nước cao cần tưới phun lên cây con để tránh mất nước (tránh tưới lúc quá nóng và nước tưới cần mát để tránh bỏng lá).
– Lên giàn canh tác: Khi cây con được 8-10 ngày tuổi (các loại cải 7-8 ngày, xà lách 10-12 ngày, rau muống 6 -7 ngày,…) đưa lên giàn canh tác khí canh. Chú ý lên giàn vào buổi sáng hoặc chiều mát, tránh buổi trưa nóng khiến cây mất sức. Do cây mới lên giàn cần phun sương làm mát vào buổi trưa nóng, tránh cây mất nước.
Nếu trồng một loại cây trên mỗi trụ thì nên lên giàn theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, từ trên xuống dưới để cây phát triển đồng đều hơn. Nếu trồng nhiều loại cây trên trụ, ưu tiên theo thứ tự sau: Ưa sáng => Trung bình => Ưa bóng; Chiều cao thấp => Trung bình => Cao.
– Giai đoạn 0-30 ngày sau trồng: Cần quan sát và chăm sóc thường xuyên vì đây là giai đoạn sâu bệnh bắt đầu tấn công Khi phát hiện cần tiêu hủy bộ phận bị sâu bệnh.
Cắt tỉa những cây yếu, sinh trưởng kém để tập trung không gian sống cho cây khỏe mạnh. Mỗi rọ chừa lại số cây thích hợp tùy vào từng giống (cải 1-2 cây, xà lách 2 cây, rau muống 5 cây).
– Giai đoạn 30 – 35 ngày sau trồng: Ở giai đoạn này cây đã phát triển đạt gần kích thước tối đa, do đó nên giảm nồng độ dung dịch để giảm dư lượng phân bón cho sản phẩm. Khoảng 5 -7 ngày trước khi thu hoạch có thể chỉ thêm nước mà không cần thêm phân vào dung dịch thủy canh.